Bánh xèo là một món ăn thân quen với người Việt Nam. Hầu như vùng nào cũng có bánh xèo nhưng mỗi vùng lại có cách chế biến riêng. Trong số đó, bánh xèo miền Tây được coi là món ăn đặc sản mang hồn quê. Từ nguyên liệu đến cách chế biến đều phảng phất mùi sông bình dị thân thương. Nếu bánh xèo miền Trung nhỏ xinh, thì bánh xèo miền Tây lại … siêu khủng. Không đổ bánh bằng khuôn nhỏ như miền trung, người miền Tây đổ bánh bằng nồi to. Khi ra thành phẩm, bánh to gần bằng cái mâm nên khi lấy ra khỏi chảo người ta thường gấp đôi lại. chỉ cần ăn một cái đã thấy no rồi. Cùng chúng mình tìm hiểu nào
Bánh xèo – Nhìn là muốn ăn
Cái đặc sắc của món ăn này nằm ở những nguyên liệu chế biến. Hầu như nguyên liệu đều là “cây nhà lá vườn”, không cần phải mua hay tìm ở đâu xa. Bột bánh xèo được pha từ bột gạo xay, trộn với bột nghệ để khi chiên bánh có màu vàng tươi đẹp mắt. Để tăng hương vị cho chiếc bánh, người ta thường pha thêm nước cốt dừa; và hành lá thái nhuyễn vào bột. Vì vậy mà chiếc bánh chiên lên vừa có vị beo béo của cốt dừa, vừa có mùi thơm của hành lá, khiến người ăn nhớ mãi không quên.
Nhân bánh xèo miền Tây vô cùng đa dạng, tùy vào sở thích và nguyên liệu sẵn có mà người chiên bánh; có thể biến tấu một cách linh hoạt. Thường thì mỗi tỉnh sẽ có nguyên liệu làm nhân khác nhau. Ở Bến Tre, người ta có thể làm nhân bằng củ hũ dừa, nấm mối, ở một số chỗ người ta còn dùng lõi của đầu trái dứa để chiên bánh. Tuy nhiên, quen thuộc và thường được sử dụng nhiều nhất là giá, tôm đất, thịt heo. Tôm được chọn là những con tôm còn tươi, nhỏ vừa, nếu lớn quá sẽ bị vướng khi ăn. Thịt heo thường là thịt ba chỉ, luộc lên, thái mỏng.
Làm nóng chảo, dùng bẹ chuối chấm một ít mỡ lợn quết đều chảo, sau đó đổ bột vào tráng thật nhanh để bột dàn đều ra. Cho tôm, thịt, giá hoặc các nguyên liệu khác vào giữa chiếc bánh, đậy nắp lại khoảng 1-2 phút. Sau khi mở nắp, người ta dùng cái sạn gấp bánh lại làm đôi; rồi xúc ra để lên lá chuối sạch.
Khác biệt bánh xèo miền Tây và miền Trung
Thực khách có thể ăn một chiếc bánh xèo miền Tây đã no, nhưng bánh xèo miền Trung phải 2-3 cái mới thỏa cơn thèm. Ở miền Trung, chiếc bánh xèo có kích thước nhỏ, được làm trong chảo gang có khuôn sẵn từ 10 đến 15 cm. Trước khi đổ bột, người làm bánh cho nhiều dầu vào chảo để bánh nhanh chín. Còn tại miền Tây, người làm bánh thường dùng chảo lớn, không giới hạn kích cỡ. Họ dùng thân tàu lá chuối quét lớp dầu mỏng đều chảo, đợi nóng rồi mới đổ bột vào, xoay đều chảo để bánh tròn trịa, vỏ bánh mỏng nhưng không bị rách, giòn nhưng không dễ vỡ.
Chiếc bánh xèo miền Trung cũng dày dặn hơn bánh xèo miền Tây ở điểm này. Tuy nhiên do chênh lệch kích thước, thực khách có thể ăn một chiếc bánh xèo miền Tây đã no, nhưng bánh xèo miền Trung phải dùng 2 đến 3 cái mới thỏa cơn thèm. Nhân bánh xèo miền Trung thường được để tươi, người làm bánh đợi dầu nóng rồi mới cho tôm, mực vào, nhanh tay đảo cho nhân chín săn lại, rồi mới đổ phần bột vào khuôn, thêm nhúm giá, hẹ cắt khúc, khi bánh chín thì rau giá cũng vừa chín tới.
Món ăn nói lên tính cách con người miền Tây
Bánh xèo miền Tây được ăn kèm với các loại rau vườn, thường thấy nhất là đọt xoài non, cải xanh, xà lách,… Người ta ra vườn, thấy rau nào non tươi ăn được là hái vào, không nhất thiết bắt buộc phải là loại này loại kia. Bánh xèo mà thiếu nước chấm thì coi như mất ngon. Người miền Tây chuộng nước mắm chua ngọt. Pha nước mắm với dấm, đường, ớt, thêm cà rốt thái sợi để tăng màu sắc. Theo người sành ăn thì pha nước chấm; bằng dấm sẽ ngon hơn pha bằng chanh.
Ăn bánh xèo không cần bát đĩa hay đũa muỗng gì cả. Để bánh xèo thành từng lớp trên lá chuối, dùng tay bốc một miếng bánh bỏ vào mấy lá rau, cuốn lại, chấm nước mắm chua ngọt rồi thưởng thức. Người miền Tây hay ngồi quay thành vòng tròn, vừa ăn vừa trò chuyện hay nghe đờn ca tài tử. Quả là hết sảy! Người ta bảo ăn bánh xèo mà không dùng tay thì sẽ không cảm nhận được; hết vị ngon của bánh. Chiếc bánh to, nhân nhiều, ăn một hai cái là no.
Nó giống như tính cách của con người miền Tây vậy, phóng khoáng, nhiệt tình, rộng rãi và hiếu khách. Có thể xem bánh xèo là món quà quê đậm đà hương vị. Khi về thăm miền Tây, khách thường được chủ nhà đãi món này như một lời chào nồng nhiệt. Ăn một lần nhớ mãi không thôi, đó là cảm nhận của những ai từng thưởng thức món quà quê đặc sắc này.