Do các chức năng tiêu hóa và miễn dịch của cơ thể trẻ 6 tháng tuổi còn rất yếu nên khi lứa tuổi này bắt đầu bước vào thời kỳ tiếp xúc với nhiều thức ăn đa dạng, sẽ dễ bị vi khuẩn xâm nhập và gây ra các triệu chứng dị ứng với thức ăn. Do đó, khi chuẩn bị chế độ ăn sam cho bé ở giai đoạn này, bố mẹ cũng cần lưu ý sát sao tới việc chọn lựa nguồn thực phẩm dành cho bé. Trong đó có một số thực phẩm nào mà cơ thể trẻ nhỏ rất dễ mẫn cảm trong giai đoạn này, khiến trẻ bị dị ứng thức ăn, bạn hãy tham khảo thông tin đầy đủ qua bài viết dưới để có chế độ ăn thích hợp, an toàn cho bé nhé!
Nguyên nhân trẻ bị dị ứng thức ăn ở lứa tuổi ăn sam
Lứa tuổi ăn sam (Ăn bổ sung, ăn dặm) bắt đầu từ khi trẻ được 6 tháng tuổi. Thời kì này một mình sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng. Do cơ thể trẻ phát triển rất nhanh. Đây cũng là giai đoạn trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Do kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang ở thời kì thai nhi giảm dần. Trẻ bắt đầu tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh. Trẻ tập ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Chính vì vậy nguy cơ dị ứng thức ăn thường hay gặp ở một số trẻ có cơ địa dị ứng.
Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra sau vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng muộn. (Vài ngày sau khi ăn thức ăn chứa dị nguyên). Gồm viêm da, nổi mày đay, hen, viêm mũi dị ứng, ho dai dẳng, chảy nước mũi, biếng ăn, giảm tập trung và ngủ kém. Mức độ nặng hay nhẹ của bệnh phụ thuộc vào thời gian xuất hiện phản ứng sau khi ăn; lượng thức ăn đã tiêu thụ và cơ địa của trẻ.
Trẻ dễ bị dị ứng với những thực phẩm nào?
Tất cả những thực phẩm có chứa protein(chất đạm) nguồn gốc động vật đều có thể gây dị ứng. Nhưng hay gặp nhất là sữa động vật (sữa bò, dê, trâu). Và các loại hải thủy sản: tôm, cua, cá hoặc nhộng, trứng…
Dị ứng sữa động vật: Do protêin trong sữa các loại động vật khác với protein trong sữa mẹ về thành phần và số lượng. Nên một số trẻ ăn vào có thể bị dị ứng. Biểu hiện của dị ứng sữa: Trẻ bị tiêu chảy, nổi mề đay, mẩn ngứa. Một số trẻ có biểu hiện bằng nôn liên tục. Một số trẻ thiếu men lactaza nên không hấp thu được đường lactoza trong sữa bò cũng gây tiêu chảy. Gặp những trường hợp này nên dừng lại không cho trẻ ăn sữa bò. Dùng sữa đậu tương thay thế hoặc làm sữa chua cho trẻ ăn.
Dị ứng các loại hải thuỷ sản: Tôm, cua, cá. Sau khi ăn các loại thực phẩm này, trẻ bị nổi mề đay, sẩn ngứa. Một số trẻ có thể bị tiêu chảy. Nên ngừng ngay các loại thực phẩm này. Sau đó có thể tập cho trẻ ăn dần từng ít một. Nếu vẫn bị dị ứng thì không cho trẻ ăn các loại thực phẩm này nữa.
Dị ứng trứng: thường ít gặp hơn các loại trên. Khi ăn trứng cũng có trẻ có các biểu hiện của dị ứng. Như : nổi mề đay, mẩn ngứa, tiêu chảy… Cũng tập cho trẻ ăn dần từng ít một. Hoặc chế biến dưới dạng caramen (trứng sữa hấp). Cho trẻ ăn thì có thể không bị dị ứng nữa. Nếu vẫn dị ứng thì không cho trẻ ăn tiếp và thay thế bằng loại thức ăn khác.