Do khả năng miễn dịch non nớt, trẻ em là đối tượng rất dễ bị vi khuẩn tấn công và mắc phải các bệnh do nhiễm khuẩn gây ra như viêm phế quản, viêm amidal, tiêu chảy… Khi trẻ đã ốm, ngoài việc trị liệu bằng thuốc và biện pháp y học, thì việc bổ sung thực phẩm và dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này cũng cực kỳ quan trọng, hơn nữa cần đặc biệt chú trọng. Vậy vào lúc trẻ đang bị bệnh nhiễm khuẩn thì nên cho bé ăn gì để đảm bảo bổ sung dinh dưỡng mà vẫn đảm bảo an toàn, đồng thời giúp bé có thêm sức chống đỡ vượt qua bệnh tật, bạn hãy tham khảo nội dung bài viết sau nhé!
Trẻ nhỏ hay gặp phải những bệnh nhiễm khuẩn nào?
Nhiễm khuẩn đường hô hấp:
- Viêm mũi họng
- Viêm VA
- Viêm Amidal
- Viêm tai giữa
- Viêm phế quản
- Viêm phổi…
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa:
- Lỵ
- Tiêu chảy cấp
- Tiêu chảy kéo dài…
Nguyên nhân gây bệnh thường là do:
- Các loại virus thường tấn công mạnh ở đường hô hấp rất dễ lây lan.
- Sức đề kháng của trẻ thấp do hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện.
- Trẻ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Trẻ chưa hoặc không được tiêm chủng đầy đủ.
- Trẻ sinh non hoặc mắc bệnh mãn tính (như còi xương, suy dinh dưỡng, tim mạch, …).
- Trẻ sống ở môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hoặc thời tiết chuyển mùa, đột ngột thay đổi nhiệt độ và độ ẩm.
Nguyên nhân việc phải chú ý đến chế độ ăn uống khi trẻ bị ốm do nhiễm khuẩn
- Khi trẻ bị sốt, cứ mỗi lần thân nhiệt tăng 1 độ C thì chuyển hóa cơ bản tăng hơn 10%, do đó nhu cầu về năng lượng cũng tăng.
- Khi sốt, cơ thể cũng mất rất nhiều nước và chất điện giải qua da, đường thở, mất vitamin qua phân, nước tiểu …nên nhu cầu về nước, vitamin và chất khoáng tăng lên rất nhiều.
- Khi sốt cao trẻ biếng ăn do giảm tiết men tiêu hóa.
- Khi bị Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa trẻ cũng mất nhiều nước điện giải, hấp thu các chất dinh dưỡng kém.
Trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn nếu không được ăn uống đầy đủ và đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả là trẻ lâu khỏi bệnh. Ngoài ra, ăn uống không cẩn thận cũng sẽ khiến trẻ thiếu các vi chất dinh dưỡng. Thiếu các chất dinh dưỡng dẫn đến chậm lớn, suy dinh dưỡng và bệnh do thiếu các chất dinh dưỡng ví dụ: thiếu máu, khô mắt, thiếu kẽm…
Hướng dẫn cho trẻ ăn uống khi trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn
Cách cho trẻ ăn:
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
- Nấu các món ăn mềm, dễ tiêu hóa, hấp thu, giàu dinh dưỡng: Cháo, súp, sữa, nước trái cây.
- Thường xuyên thay đổi món ăn để hợp với khẩu vị của trẻ.
- Bổ sung thêm men tiêu hóa từ thực phẩm: giá đỗ, các hạt nẩy mầm để tăng thêm năng lượng, hóa lỏng thức ăn.
- Trẻ còn bú mẹ: tăng thêm bữa bú và thời gian bú. Trẻ không bú được vắt sữa mẹ cho ăn bằng thìa.
- Cho trẻ uống thêm nhiều nước: nước hoa quả tươi, nước bổi phụ nước và điện giải: oresol pha đúng cách.
- Khi khỏi ốm cho trẻ ăn tăng thêm bữa và ăn như bình thường.
Những thực phẩm không nên dùng khi trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn:
- Thức ăn thô nhiều chất xơ: ngô hạt, đậu đỗ nguyên hạt, rau cần, rau bí, măng…
- Nước ngọt có ga, tránh ăn đồ lạnh khi trẻ bị viêm họng: kem, thức ăn quá nguội lạnh.
- Những loại thực phẩm nào nên dùng khi trẻ mắc bệnh Nhiễm khuẩn?
- Gạo, khoai tây, các loại rau quả có màu vàng và đỏ, xanh thẫm, giá đỗ xanh.
- Thịt gà, bò, thịt thăn lợn, trứng, sữa.
- Dầu thực vật, mỡ gà, mỡ lợn.
- Các loại quả tươi: Cam, bưởi, chuối, xoài, đu đủ, nước dừa…
Một số sai lầm về ăn uống các bà mẹ hay mắc khi trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn:
- Không tăng cường số bữa ăn mặc dù mỗi bữa trẻ chỉ ăn rất ít hoặc bỏ ăn.
- Kiêng cho dầu mỡ vào bột, cháo của trẻ khi trẻ bị sốt, tiêu chảy.
- Kiêng cho trẻ ăn thịt gà khi trẻ bị sốt có ho, kiêng ăn cá, tôm, cua vì sợ trẻ càng ho nặng thêm.